Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật tổ chức chuyến thăm quan, tìm hiểu truyền thống văn hóa tại Đền Trần, Thành phố Nam Định.
Chào mừng xuân Quý Mão 2023, được sự nhất trí của Công đoàn Nhà trường, ngày 12/02/2023 Công đoàn Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật đã tổ chức chuyến thăm quan, tìm hiểu truyền thống văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền của Dân tộc Việt Nam tại Đền Trần, Thành Phố Nam Định
Đền Trần (Trần Miếu) là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, là nơi thờ các vua Trầncùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ XV.
Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả ba đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.
Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. cung Trùng Quang là nơi các Thái Thượng Hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được dân địa phương xây bằng gỗ từ năm Chính Hòa thứ 15 (tức năm 1695). Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm. Đền Thiên Trường hiện tại gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.
Đề Thiền đường
Tiền đường của đền Thiên Trường gồm 5 gian, dài 13 mét. Có 12 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả đều được đặt trên chân tảng bằng đá hình cánh sen có từ thời Trần là chân cột cung Trùng Quang cũ. Tại đây có đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần
Sau tiền đường là trung đường là nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần. Tuy nhiên, không có tượng thờ mà chỉ có bài vị. Trước cửa trung đường có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế.
Sau trung đường là chính tẩm gồm 3 gian. Đây là nơi thờ 4 vị thủy tổ của họ Trần và các phu nhân chính thất ở gian giữa. Các hoàng phi của nhà Trần cũng được đặt bài vị thờ ở 2 gian trái, phải.
Tòa thiêu hương (hay kinh đàn) là nơi đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho các quan văn, và ban thờ riêng cho các quan võ.
Cổng đền Cố Trạch
Đền Cố Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường. Nhìn từ sân, là bên phải đền Thiên Trường. Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894. Theo bia "Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi ký", thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm 21 đời Tự Đức(năm 1868), người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ (đền nhà cũ). Đền Hạ là tên thường gọi.
Đền Cố Trạch đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.
Thiêu hương (kinh đàn) là nơi đặt long đình trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Bên trái đặt bài vị các quan văn. Bên phải đặt bài vị của các quan võ.
Gian tả vu là nơi đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các bài vị văn thần triều Trần.
Gian hữu vu là nơi đặt bài vị võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.
Tòa trung đường là nơi đặt bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, bài vị của 4 người con trai, của Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân.
Tòa chính tẩm là nơi đặt bài vị của cha và mẹ Trần Hưng Đạo, của Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), của 4 người con trai và 4 người con dâu của Trần Hưng Đạo, của con gái và con rể (Phạm Ngũ Lão).
Đền Trùng Hoa
Đền Trùng Hoa mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của chính phủ xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị Thái Thượng Hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần được đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.
Lễ hội Đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công của 14 vị vua Trần.
Từ năm 2000, Nam Định tổ chức Lễ khai ấn đền Trần vào rạng sáng ngày 15 tháng giêng. Lúc đầu lệ khai ấn chỉ bó hẹp trong không gian làng Tức Mặc, dần trở thành lễ hội lớn. "Trần miếu tự điển" là chiếc ấn được dùng để đóng ấn dịp Lễ hội Đền Trần hiện nay. Ấn hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hai mặt Đông-Tây của viền ấn khắc hình hai con rồng, mặt Nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ "Tích phúc vô cương." "Trần miếu tự điển" mang nội dung điển lệ, tục lệ thờ tự tại miếu nhà Trần, phạm vi, quy mô nhỏ hẹp là dòng họ Trần tại làng Tức Mặc.
Năm nay, ngày 4.2 (tức ngày 14 tháng Giêng) tổ chức lễ khai ấn. Ngày 5.2 (tức ngày 15 tháng Giêng), từ 2h thực hiện lễ hồi kiệu ấn, từ 5h tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: nhà Giải vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa. Ngày 6.2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung. Trong suốt cả Lễ hội Khai ấn Đền Trần, nghi lễ khai ấn (đêm ngày 14 tháng Giêng) là nghi lễ truyền thống quan trọng mang đậm giá trị văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, gồm các hoạt động: Lễ dâng hương (từ 22h15 đến 22h40); lễ rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường (từ 22h40 đến 23h10); nghi lễ khai ấn, dâng chúc văn (23h15 - giờ Tý).
Lễ chùa đầu năm từ bao đời nay đã trở thành phong tục tập quán đẹp của người Việt Nam. Hàng năm, những ngày đầu xuân, người người nhà nhà sắm sửa lễ lạt mang lên chùa với mong ước một năm được thuận buồm xuôi gió, gia đạo an khang, hòa thuận, thành tâm cầu nguyện mong được ban phước lành. Với ý nghĩa đó, đoàn cũng đã thăm quan, thắp hương tại Chùa Tháp.
Chùa Tháp hay chùa Phổ Minh
Chùa Tháp hay chùa Phổ Minh tọa lạc trên một khoảng đất rộng gần 2ha, sát với khuôn viên Đền Trần. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý và đã được vương triều Trần mở rộng vào năm 1262. Đây là một trong những ngôi chùa cổ và lớn nhất tỉnh Nam Định. Lối vào chùa hương sen tỏa ngào ngạt, có nhiều cây cổ thụ sum suê cành lá tỏa bóng mát suốt mùa nắng hạn. Trước cổng chùa có đỉnh đồng nặng hơn 7 tấn, là một trong bốn vật quý của nước ta xưa.
Chuyến du xuân, học tập truyền thống văn hóa đầu năm 2023 của Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật để cán bộ, giảng viên hiểu thêm về truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của Dân tộc Việt Nam nói chung, của di tích Đền Trần – Chùa Tháp Nam Định nói riêng; đồng thời cũng là dịp để tập thể cán bộ, giảng viên trong Khoa giao lưu, gắn kết, có thêm tinh thần và năng lượng tích cực giúp công việc đạt được hiệu quả cao hơn.
Chủ Nhật, 16:34 12/02/2023
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.