TS. Vũ Thị Hồng Vân và nhóm nghiên cứu bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu cấp cơ sở: “Thực hiện pháp luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội”
Sáng ngày 25 tháng 12 năm 2024, tại phòng Hội thảo tầng 3 nhà A1, Nhà trường đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Thực hiện pháp luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội”. Tham dự hội nghị có đầy đủ thành viên hội đồng, nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học quan tâm
Trong xã hội hiện đại, việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng là vấn đề vô cùng cấp bách. Quyền của người tiêu dùng không chỉ liên quan đến sự an toàn, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ được tiêu dùng mà còn là quyền tự do lựa chọn, quyền tiếp cận thông tin, quyền đối xử công bằng và quyền được bảo vệ trong quan hệ giữa người tiêu dùng với chủ thể kinh doanh. Việc bảo vệ các quyền cho phép người tiêu dùng tham gia thị trường một cách công bằng và an toàn hơn. Đồng thời, bảo vệ quyền của người tiêu dùng sẽ giúp cân bằng mối quan hệ giữa người tiêu dùng và chủ thể kinh doanh, tăng cường khả năng thương lượng của người tiêu dùng và đạt được điều kiện mua hàng tốt nhất. Tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 tập trung vào việc bảo vệ sự công bằng và tính minh bạch của các hợp đồng vì người tiêu dùng là chủ thể trong các giao dịch thương mại - dân sự. Kể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành vào năm 2010, bảo vệ quyền của người tiêu dùng đã trở thành một lĩnh vực pháp luật độc lập và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật kinh tế - thương mại.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tập trung vào bảo vệ quyền của người tiêu dùng không chỉ giúp tạo ra một môi trường tiêu dùng an toàn và minh bạch mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Với địa hình thủ đô, mật độ dân số cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động, Hà Nội đặt ra yêu cầu cao về việc đảm bảo an toàn và chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Cùng với sự đa dạng của các ngành, dịch vụ nên việc bảo vệ quyền người tiêu dùng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch cũng cần được đặc biệt quan tâm. Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng cần hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy các biện pháp bảo vệ quyền của người tiêu dùng, Tăng cường kiểm tra giám sát việc cung cấp thông tin và giáo dục cho người tiêu dùng về quyền của mình. Điều này sẽ góp phần làm cho Hà Nội trở thành một nơi mua sắm tiêu dùng uy tín và phát triển bền vững hơn. Hiện nay khi nền kinh tế thị trường phát triển thì cũng đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề liên quan đến người tiêu dùng. Ngoài việc tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và giá cả thích hợp, thị trường cũng xuất hiện nhiều hành vi gây ảnh hưởng đến quyền của người tiêu dùng như buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm và kinh doanh thực phẩm chứa độc tố. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2023, toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.760 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hơn 18,121 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 17,857 tỷ đồng. Nhiều vụ việc vi phạm bị xử lý có tính răn đe cao nên không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, dự báo, năm 2024, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận thu được lớn .
Trong tháng 3/2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 07/KH-QLTTHN ngày 1/3/2024 về triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại, vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn; Kế hoạch số 08/KH-QLTTHN ngày 1/3/2024 về triển khai thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn; Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, nắm bắt hoạt động diễn biến tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ, thương mại, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, khoáng sản, phân bón; thực phẩm thuộc trách nhiệm ngành công thương quản lý (bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát) và các loại thực phẩm khác. Cục đã kiểm tra 82 vụ, xử lý 55 vụ, xử phạt hành chính 778 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm 2,844 tỷ đồng; Ban Chỉ đạo đã thanh tra, kiểm tra và xử lý 507 vụ, trong đó, hàng cấm, hàng lậu 94 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 18 vụ, gian lận thương mại 395 vụ. Khởi tố 8 vụ đối với 14 đối tượng; thu nộp ngân sách Nhà nước 319,613 tỷ đồng. Công an Thành phố đã kiểm tra 148 vụ, xử lý 182 vụ (trong đó xử lý 34 vụ tồn); xử phạt vi phạm hành chính 1,492 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 2,942 tỷ đồng; khởi tố 8 vụ đối với 14 đối tượng. Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, bắt giữ, xử lý 77 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2,690 tỷ đồng .
Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn có tác động tiêu cực đối với sự phát triển ổn định, bền vừng của nền kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Vì vậy, nghiên cứu bảo vệ quyền của người tiêu dùng là vấn đề có tính thời sự, nhận được sự quan tâm của xã hội. Xuất phát từ lý do trên, nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài: “Thực hiện pháp luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Nhóm nghiên cứu do TS. Vũ Thị Hồng Vân làm chủ nhiệm là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn và trách nhiệm cao. Trong quá trình thực hiện đề tài có những khó khăn nhất định, song với quyết tâm và sự say mê nghiến cứu, nhóm nghiên cứu đã đem về kết quả là 1 báo cáo khoa học được trình bày khoa học, 01 bài báo khoa học có chỉ số ISSN.
Trong buổi nghiệm thu, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Vũ Thị Hồng Vân – Chủ nhiệm đề tài đã trình tóm tắt bản báo cáo khoa học trước hội đồng khoa học. Bản báo cáo đã phản ánh đầy đủ tiến trình thực hiện, nội dung và và sản phẩm mà đề tài tạo ra. Trên cơ sở lý luận và phương pháp luật triết học Mác – Lênin và hệ thống các phương pháp nghiên cứu cụ thể, đề tài nghiên cứu lý luận và thực trạng, đồng thời nêu lên những giải pháp về thực hiện pháp luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần bổ sung lý thuyết cho việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng, thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội nói riêng và người tiêu dùng nói chung.
Bảy thành viên trong hội đồng khoa học đã nhận xét, đánh giá rất chi tiết, cụ thể về kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu: Đề tài được đánh giá cao về tính khoa học, tính thực tiễn; đồng thời hội đồng cũng đánh giá cao về nỗ lực nghiên cứu của nhóm tác giả. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra những tồn tại của đề tài và đề nghị nhóm tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài trở thành tư liệu chính thức phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và vận dụng trong thực tiễn.
TS. Vũ Thị Hồng Vân - Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt đề tài trước hội đồng đánh giá, nghiệm thu
TS. Trịnh Thị Thu Hương - Thư ký hội đồng công bố kết quả đánh giá của hội đồng khoa học
PGS, TS. Phạm Văn Đông - Chủ tịch hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhận xét về đề tài
PGS, TS. Phạm Văn Đông – Chủ tịch hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài đánh giá: “Mặc dù đề tài còn một số hạn chế nhất định, song về cơ bản đề tài đã đáp ứng được mục tiêu đề ra”, “Cá nhân tôi đánh giá cao về kết quả của nhóm nghiên cứu. Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc”. Đồng thời, Chủ tịch hội đồng kết luận: Đề tài đã được hội đồng thông qua và đưa vào ứng dụng.
Thứ Năm, 08:38 02/01/2025
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.