Triết lý giáo dục qua thực tiễn ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Tiến sỹ Phùng Danh Cường

Phó trưởng Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật

Triết lý giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển giáo dục & đào tạo. Ở các trường đại học, việc xây dựng một triết lý giáo dục phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển sẽ tạo tiền đề quan trọng để xây dựng mục tiêu, chiến lược, nhiệm vụ giáo dục & đào tạo đúng đắn. Trong bài viết này, trên cơ sở tiếp tục phân tích làm rõ, bổ sung cách hiểu về triết lý giáo dục, tác giả sẽ đi luận giải về triết lý giáo dục, thực tiễn thực hành triết lý đó và một số gợi mở tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.

1. Một số quan điểm về triết lý giáo dục

Bàn về triết lý giáo dục, trong tiếng Anh chỉ có thuật ngữ philosophy of education hay education philosophy, sau khi dịch sang tiếng Việt (hiện nay vẫn còn có những tranh luận xung quanh vấn đề này) là: triết học giáo dục hay triết học về giáo dục và triết lý giáo dục. Triết học giáo dục là những tư tưởng quan điểm cơ bản nhất để giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn giáo dục. Triết lý giáo dục coi giáo dục là giá trị sống và giáo dục mang lại cho con người cách thức để thực hiện các giá trị sống. Triết lý giáo dục biểu thị định hướng tư tưởng cơ bản trên thực tế chi phối toàn bộ quá trình giáo dục - đào tạo trong một thời kỳ nhất định (mục tiêu, nội dung, phương pháp), có thể được biểu đạt thành lời hoặc không. Trong tài liệu này, chúng tôi thống nhất sử dụng cụm từ triết lý giáo dục.

Về triết lý giáo dục trong lịch sử thế giới, không thể không nhắc đến Khổng Tử, Xôcrát, Platon, Arixtốt thời cổ đại, hay Rútxô, C. Mác, Điuây, Anhxtanh… Đặc biệt, trong thời gian gần đây được quan tâm phải kể đến triết lý giáo dục của Wilhelm Humboldt nhà cải cách giáo dục người Đức cuối thế kỷ XVIII, John Dewey triết gia người Mỹ đầu thế kỷ XX...

Xuất phát từ tư tưởng nhân học của mình, Wilhelm Humboldt xây dựng triết lý giáo dục khai phóng. Ông đề cập đến sự cần thiết phải hạn chế vai trò của nhà nước trong giáo dục; mục đích duy nhất của giáo dục là kiến tạo và hình thành chính con người cá nhân. Con người không phải là khách thể của nhà nước mà là chủ thể có thể kiến tạo chính mình và tạo ra các điều kiện hình thành cho mình trong xã hội. Triết lý giáo dục của Humboldt được thể hiện đặc biệt ở mô hình giáo dục đại học khai phóng. Đó là: trường đại học chỉ là nơi thuần tuý của khoa học, tức là không phải là nơi bị ảnh hưởng của các mục tiêu và sự cho phép từ bên ngoài; yêu cầu cơ bản nhất trong triết lý giáo dục khai phóng của Humboldt là sự thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy; nguyên tắc cơ bản trong triết lý giáo dục đại học khai phóng là: tự do khoa học và quyền tự trị dành cho đội ngũ giảng viên.

John Dewey cho rằng: Triết lý giáo dục không phải là sự áp dụng các tư tưởng có sẵn từ bên ngoài vào một hệ thống thực hành có nguồn gốc và mục đích khác biệt về cơ bản. Cốt lõi trong tư tưởng triết học thực dụng của John Dewey là lý thuyết về kinh nghiệm phải được hiện thực hoá thông qua thực nghiệm và hoà hợp với thực tiễn. Khoa học và dân chủ là hai nội dung lớn duy nhất có mối quan hệ biện chứng với nhau bao trùm trong triết lý giáo dục của John Dewey. Trên cơ sở phê phán các quan điểm phân loại trường học và phân biệt đối xử bất bình đẳng trong giáo dục truyền thống, John Dewey đưa ra nguyên tắc về một nhà trường cởi mở, có thể tiếp cận đối với tất cả mọi người và thống nhất đối với mỗi người, không phụ thuộc vào tình trạng tài sản, giới tính, chủng tộc, dân tộc. Để phát triển nền dân chủ, cần phải có một nhà trường như vậy, một nhà trường thực hiện những thay đổi căn bản trong toàn bộ hoạt động của mình sao cho đảm bảo bằng được sự thống nhất chặt chẽ giữa học tập và vận dụng kiến thức trong xã hội, giữa lý luận và thực tiễn.

Theo John Dewey: Triết lý giáo dục là lý luận giáo dục xét như một thực tiễn được thực hiện một cách có chủ tâm; giáo dục không chỉ như là quá trình truyền đạt mà chính là bản thân cuộc sống, nhà trường không tách rời khỏi xã hội và học trò là trung tâm của quá trình giáo dục; “Mục đích của giáo dục và sự trách nghiệm tối hậu cho giá trị của điều học được nằm ở việc sử dụng và vận dụng nó vào việc duy trì và cải thiện cuộc sống chung của tất cả”[2] hiện vẫn là ngọn đuốc soi đường cho giáo dục ở các xã hội dân chủ hiện nay.

Ở Việt Nam, vấn đề “triết lý giáo dục” được các nhà nghiên cứu đề cập khá nhiều trong hơn chục năm trở lại đây, tất nhiên không phải vì trong lịch sử nước ta không có triết lý giáo dục. Về cơ bản, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận, trong lịch sử nước ta đã có triết lý giáo dục của một số nhà giáo dục, nổi bật có thể kể đến: Chu Văn An, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu… và Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi dành được độc lập, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu… Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta”, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”, xây dựng nền văn hoá, con người Việt Nam theo hướng “dân tộc, khoa học, đại chúng” và còn nhiều quan điểm khác đã thể hiện triết lý giáo dục Hồ Chí Minh, kết tinh trong đó cả truyền thống dân tộc và tinh hoa giáo dục của nhân loại, vừa khoa học, vừa hiện đại, nhiều luận điểm còn đi trước thời đại khá sớm.

Gần đây, ở Việt Nam bàn đến triết lý giáo dục có hai khuynh hướng: thứ nhất, gọi là “triết học giáo dục” có Thái Duy Tuyên, Đỗ Khánh Tặng, Hoàng Minh Thao; thứ hai, gọi là “triết lý giáo dục” có Phạm Minh Hạc, Nguyễn Hữu Chí, Nguyễn Công Giáp, Trần Kiểm, Trần Quang Nhiếp, Nguyễn Anh Tuấn...

Trong Triết học giáo dục Việt Nam, Thái Duy Tuyên (2007) cho rằng: Triết học giáo dục là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu và vận dụng các phương pháp triết học để giải quyết các vấn đề về giáo dục, là những nguyên tắc phương pháp luận chủ yếu và chung nhất làm cơ sở cho việc nghiên cứu khoa học và cải tạo thực tiễn giáo dục. Còn triết lý giáo dục là những quan điểm phản ánh những vấn đề giáo dục thông qua con đường trải nghiệm từ cuộc sống để chỉ đạo sự suy nghĩ và hành động của con người về các vấn đề giáo dục [4]. Vai trò của triết lý và triết học giáo dục có tầm quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, vì nó là những tư tưởng cốt lõi tạo nên bản sắc cho sự phát triển bền vững của nền giáo dục; là công cụ định hướng cho nhận thức và hành động; là phương tiện, cách thức để tiến hành các hoạt động giáo dục của con người.

Nguyễn Anh Tuấn (2012) trong Bàn về giáo dục “Tiên học lễ, Hậu học văn”, cho rằng: Triết lý giáo dục là tư tưởng chỉ đạo giáo dục công dân của một đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể nhằm đạt được những kỳ vọng của đất nước với từng công dân và trách nhiệm của công dân đối với đất nước [1].

Trong Triết lý giáo dục Việt Nam trong thời đại mới, Phạm Minh Hạc (2012) khẳng định giá trị bản thân là nét đặc trưng của triết lý giáo dục thời đại, lấy người tài làm đầu tàu, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục là giúp thế hệ trẻ hình thành, phát huy giá trị bản thân - lực lượng bản chất - tâm lực, trí lực, thể lực của từng người. Giá trị bản thân là giá trị sống của mỗi người, gồm: tâm lực, trí lực, thể lực. Trong Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, Phạm Minh Hạc (2013) viết: Triết lý giáo dục là thực tế giáo dục đã được con người, cộng đồng, xã hội trải nghiệm - cái đã trải qua và nghiệm thấy, tức là đã cảm nhận, biết đến, hiểu ra, ý thức được - được đúc kết lại thành một giá trị được biểu đạt trong câu ngắn gọn, ca dao, tục ngữ, cụm từ… nhằm truyền đạt, tiếp thu và thể hiện trong cuộc sống, mang lại một giá trị nhất định cho con người, cộng đồng, xã hội, duy trì và làm này nở cái đúng, tốt đẹp, ngăn ngừa, sửa chữa, loại trừ cái sai, cái ác, cái xấu [3].

Song Thành (2016) trong Quán triệt hơn nữa triết lý giáo dục Hồ Chí Minh vào đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay, cho rằng: Triết lý giáo dục, hiểu theo nghĩa rộng, là những quan điểm, những nguyên lý nền tảng chỉ đạo việc xác lập mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy và học, hệ giá trị cần vươn tới, cách tổ chức và con đường xây dựng, phát triển nền giáo dục của một quốc gia.

Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp…”. Đây là một quan điểm có tính đột phá thể hiện triết lý giáo dục của Đảng ta hiện nay, mặt khác Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI tiếp tục khẳng định: Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong đó, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Có thể khẳng định, đây là những nội hàm quan trọng của triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay, cần thiết có sự quán triệt cụ thể vào từng đơn vị trường học, từng ngành đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay.

Từ những trình bày ở trên, theo chúng tôi triết lý giáo dục là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của nhà nước hoặc các đơn vị, tổ chức giáo dục cụ thể nào đó đối với việc giáo dục - đào tạo các thế hệ công dân trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể nhằm đạt được mục tiêu, kỳ vọng của đất nước với từng công dân và trách nhiệm của họ đối với sự nghiệp phát triển đất nước và xã hội.

Có thể nói triết lý giáo dục bao giờ cũng mang tính lịch sử cụ thể, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau sẽ có mục tiêu, định hướng khác nhau đối với giáo dục nhằm phục vụ trực tiếp cho sự tiến bộ của công dân và phát triển đất nước; triết lý giáo dục phải được xây dựng từ chính thực tiễn của từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với hoàn cảnh môi trường hợp thành của giai đoạn ấy. Đặc biệt, không thể áp dụng triết lý giáo dục của dân tộc này cho dân tộc khác, hay của giai đoạn lịch sử này cho giai đoạn lịch sử khác hoặc ngay cả trong từng đơn vị, tổ chức giáo dục - đào tạo ở mỗi ngành, lĩnh vực khác nhau đều có sự khác nhau. Vì vậy, triết lý giáo dục chỉ có thể đúng đắn và phát huy được tác dụng chỉ đạo giáo dục - đào tạo khi nó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, môi trường và điều kiện, mục tiêu cụ thể của mỗi nước, dân tộc hoặc đơn vị, tổ chức nhất định nào đó mà thôi.

Triết lý giáo dục của một đất nước sẽ là định hướng căn bản cho triết lý giáo dục của các đơn vị, tổ chức giáo dục cụ thể trong đất nước đó. Tuy nhiên, căn cứ vào mục tiêu giáo dục - đào tạo của từng đơn vị, tổ chức trong những giai đoạn lịch sử cụ thể để điều chỉnh triết lý giáo dục của đơn vị mình cho phù hợp với thực tiễn, nhằm hướng đến những kỳ vọng, mong mỏi của đơn vị, tổ chức đối với mỗi công dân trong việc đóng góp trí tuệ, sức lực, trách nhiệm bản thân cống hiến cho đơn vị, tổ chức và trên hết là đất nước mình.

2. Bàn về triết lý giáo dục của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

2.1.Vài nét khái quát về Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Ngày 10/8/1898, Trường Chuyên nghiệp Hà Nội được thành lập theo quyết định của Phòng Thương mại Hà Nội. Năm 1931 đổi tên thành Trường kỹ nghệ thực hành Hà Nội, ngày 15/02/1955 đổi tên thành Trường Kỹ thuận Trung cấp I. Năm 1962, Trường Kỹ thuật Trung cấp I tuyển sinh đào tạo Cao đẳng và đổi tên thành trường Trung Cao cấp Cơ điện Hà Nội. Năm 1966, đổi tên trường Trung học Cơ khí I. Năm 1993, trường lấy lại tên cũ là trường Kỹ nghệ Thực hành Hà Nội. Năm 1991, Trường chuyển từ Vĩnh phúc về xã Tây tựu, Từ liêm, thành phố Hà Nội - hiện nay là cơ sở 2 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Năm 1913 trường chuyên nghiệp Hải Phòng được thành lập theo Quyết định của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1921 đổi tên thành trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Năm 1965 là trường Sơ cấp Kỹ thuật Hải Phòng, Năm 1969, đổi tên thành trường Công nhân kỹ thuật I. Trong thời gian chiến tranh, Trường chuyển địa điểm lên xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1986, trường Công nhân Kỹ thuật I chuyển từ Bắc Giang về xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nay là trụ sở chính (cơ sở 1) trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Lịch sử ra đời và phát triển của nhà trường gắn liền với sự ra đời và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam.

Năm 1997, Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 580/QĐ-TCCB sát nhập hai trường: Công nhân kỹ thuật I và Kỹ nghệ thực hành Hà Nội lấy tên là trường Trung học Công nghiệp I. Năm 1999, trường Trung học Công nghiệp I nâng cấp thành trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội và năm 2005, Trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp thành trường Đại học Công nghiệp Hà Nội theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 02/12/2005.

Hiện nay, Trường có 3 cơ sở đào tạo là phường Minh khai - Bắc Từ Liêm - Hà nội, phường Tây tựu - BắcTừ liêm - Hà nội, xã Phù vân - Phủ lý - Hà nam trụ sở chính của trường là phường Minh khai - Bắc Từ liêm - Hà nội với tổng diện tích gần 50 ha. Trường đã xây dựng mạng lưới liên kết đào tạo với trên nhiều cơ sở đào tạo các vùng, miền trên cả nước, đào tạo nhiều cấp trình độ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Là cơ sở đào tạo công nghệ ứng dụng nhiều cấp trình độ, nhiều ngành hàng đầu của Việt Nam, là Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển - Chuyển giao công nghệ uy tín và tin cậy của ngành công nghiệp. Quy mô đào tạo của nhà trường hiện nay trên 30.000 sinh viên, học viên. Với những thành tích trong giáo dục & đào tạo, Nhà trường đã được trao tặng các danh hiệu cao quý, như: Huân chương Hồ Chí Minh; Đơn vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 02 Huân chương độc lập hạng Nhất; 01 Huân chương chiến công hạng Nhất; 01 Huân chương độc lập hạng Ba; 01 Huân chương chiến công hạng Ba; 12 Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều cờ thưởng và bằng khen của Chính Phủ, các Bộ, Ngành. Với những thành tích mà nhà trường đạt được trong những năm qua, vị thế và thương hiệu của nhà trường ngày được khẳng định.

2.2. Về triết lý giáo dục của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Trong những năm qua, có nhiều hội thảo, hội nghị và cũng có nhiều quan điểm khác nhau về triết lý giáo dục của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Việc nghiên cứu và xác định triết lý giáo dục phù hợp của Nhà trường là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở giáo dục. Một triết lý có tầm chiến lược sẽ mang đến những sắc màu mới, một tầm cao mới cho Nhà trường. Với góc nhìn của một giảng viên, qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu gần 17 năm tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, tác giả khẳng định rằng một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự thành công của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đó là Nhà trường có triết lý giáo dục phù hợp với thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của xã hội và xu thế phát triển chung. Mặc dù chưa công bố triết lý cụ thể nhưng mục tiêu chiến lược phát triển trường đã ẩn chứa một triết lý giáo dục đúng đắn. Trong chiến lược phát triển trường giai đoạn 2016-2020 khẳng định mục tiêu phát triển Nhà trường là hướng tới: CHẤT LƯỢNG - SÁNG TẠO - ĐOÀN KẾT - PHÁT TRIỂN và giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030 với mục tiêu là: ĐỔI MỚI - SÁNG TẠO- PHÁT TRIỂN - HỘI NHẬP.

(1) Chất lượng: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ uy tín, chất lượng. Xét ở mục tiêu chính là trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực đó có sự phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, trình độ chuyên môn nghề nghiệp và kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh cách mạng 4.0 và xu thế hội nhập sâu rộng, chương trình đào tạo của Nhà trường bên cạnh đào tạo kiến thức chuyên ngành hẹp, thì luôn chú trọng đào tạo các kiến thức cận chuyên ngành để các em sinh viên ra trường có thể đáp ứng với sự đòi hỏi đa dạng của công việc thực tế. Mặt khác, bên cạnh đào tạo trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, Nhà trường cũng chú trọng đến việc tích hợp đào tạo các kỹ năng mềm, giáo dục tính tổ chức kỉ luật trong học tập, lao động, ý thức phục vụ cộng đồng và lòng nhân ái cho sinh viên.

(2) Đổi mới và (3) Sáng tạo: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn coi trọng sự đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đổi mới và sáng tạo trong phương pháp quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các dịch vụ đào tạo. Với phương châm luôn coi sinh viên là khách hàng, mọi hoạt động của Nhà trường luôn hướng tới đảm bảo sự hài lòng của người học và đáp ứng nhu cầu xã hội, Nhà trường coi việc đổi mới sáng tạo là công việc thường xuyên và hết sức quan trọng. Trước hết là đổi mới chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ với tất cả các chương trình đào và theo chuẩn CDIO; nhiều chương trình đào tạo đang tiến hành kiểm định theo các tiêu chuẩn tiên tiến trong nước, khu vực và quốc tế. Thứ hai, Nhà trường áp dụng quản lý theo hướng đại học điện tử. Qua đó, mọi quy trình hoạt động của Nhà trường được tin học hóa, số hóa. Vì thế, các hoạt động mang tính đồng bộ và đem lại hiệu quả cao. Thứ ba, mô hình đại học mở được chú trọng. Bên cạnh, chức năng đào tào nguồn nhân lực, nhà trường hướng tới trở thành một trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến; là trung tâm cung ứng chuyển giao nguồn lực lao động. Hiện, nhà trường thực hiện liên kết với trên 2000 doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục và nghề nghiệp trong và ngoài nước; trở thành một địa điểm trao đổi - đào tạo sinh viên ngoại quốc… và nhiều dịch vụ mở khác nhằm đưa Nhà trường trở thành một trung tâm “dịch vụ” giáo dục - đào tạo uy tín. Trong một môi trường sáng tạo như vậy, sinh viên có được tư duy sáng tạo và các phẩm chất, năng lực cần có để trở thành những công dân sáng tạo, đáp ứng thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi sự tự chủ cao.

(4) Đoàn kết: Có thể nói, một trong những triết lý quan trọng hàng đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra (Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công) đã được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội coi như một kim chỉ nam trong hoạt động của Nhà trường. Đoàn kết nội bộ được coi như một văn hóa và giá trị cốt lõi mà tập thể thầy, trò Nhà trường đã xây dựng qua nhiều thế thế hệ. Chính sự đoàn kết, nhất trí cao giữa ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên; giữa các phòng, khoa, trung tâm; đoàn kết với các đơn vị bên ngoài là các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, nhân dân đã tạo nên sức mạnh và thành công của Nhà trường như hôm nay.

(5) Phát triển: Trong bối cảnh giáo dục - đào tạo có sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn coi “phát triển” là mục tiêu sống còn. Điều đó không có nghĩa là phát triển bằng mọi giá, phát triển phiến diện. Sự phát triển được thể hiện một cách đồng bộ, toàn diện trong mọi mặt, song có trọng tâm, trọng điểm. Nếu trước đây, khi quy mô sinh viên chưa lớn, nhà trường đẩy mạnh mở rộng quy mô song song với chất lượng. Đến nay, quy mô sinh viên ổn định, Nhà trường chú trọng, đi sâu vào nâng cao chất lượng. Phát triển chất lượng đào tạo trong mọi khâu quản lý, giảng dạy, các dịch vụ sẽ tạo thêm thế và lực cho Nhà trường trong điều kiện tự chủ và canh tranh.

(6) Hội nhập: Có thể nói, hội nhập quốc tế là quá trình tất yếu trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Hội nhập quốc tế đặt ra các vấn đề về chất lượng đào tạo, cạnh tranh gắn liền với hợp tác; hội nhập quốc tế đòi hỏi Nhà trường phải xây dựng chương trình đào tạo và quản lý đại học có tính quốc tế, đồng thời phải có sự hợp tác mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Để hội nhập quốc tế tốt, trong những năm qua, Nhà trường rất chú trọng các vấn đề: quản trị đại học theo hướng tiên tiến - đại học điện tử, mọi thông tin được kết nối (mở) rộng rãi với cộng đồng xã hội, Nhà trường thực hiện liên kết đào tạo với nhiều trường đại học quốc tế; cử nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên đi học tập, làm việc ở nước ngoài; có nhiều chương trình hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài về đào tạo, việc làm, chuyển giao công nghệ; nhiều chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giảng viên, sinh viên.

Các nội dung trong triết lý giáo dục trên có mối quan hệ biện chứng, nằm trong một thể thống nhất, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, chất lượng là nền tảng căn bản; chất lượng nhưng phải luôn đổi mới, luôn sáng tạo, tạo ra sự khác biệt, đột phá; đoàn kết là bệ phóng cho chất lượng, đổi mới, sáng tạo, phát triển và hội nhập. Phát triển được xem như cái đích, là thước đo giá trị của triết lý giáo dục của Nhà trường; và trong bối cảnh mới, hội nhập là thời cơ để nâng tầm Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành một trong những trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ uy tín trong khu vực.

Từ triết lý giáo dục nêu trên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nêu lên SỨ MẠNG – TẦM NHÌN – GIÁ TRỊ CỐT LÕI.

Về Sứ mạng: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

VềTầm nhìn: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là cơ sở đào tạo định hướng ứng dụng nhiều ngành, nhiều loại hình, nhiều cấp trình độ; là trường đại học đạt chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế một số lĩnh vực; là trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ uy tín; là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Về Giá trị cốt lõi, được Nhà trường xác định:

Một là, kiên định hướng mục tiêu. Kiên định trong việc xác định mục tiêu, định hướng phát triển Nhà trường, kiên quyết trong công tác điều hành, quản lý.

Hai là, khoa học là định hướng. Tính khoa học được coi là định hướng phát triển Nhà trường.

Ba là, khách hàng là trung tâm. Hướng thị trường, đặt lợi ích và sự thỏa mãn khách hàng và các bên quan tâm là trung tâm các hoạt động của Nhà trường.

Bốn là, kỹ nghệ làm nền tảng. Lấy truyền thống kỹ nghệ thực hành, công nghệ là nền tảng định hướng phát triển Nhà trường.

Năm là,kết nối tạo sức mạnh. Đoàn kết nội bộ, gắn kết với doanh nghiệp, thực tiễn tạo nên sức mạnh bên trong và bên ngoài để phát triển Nhà trường.

Sáu là, khác biệt từ sáng tạo. Tạo ra sự khác biệt để đột phá nhờ sự sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà trường.

Bảy là, kỷ cương để vững bền. Lấy kỷ cương, kỷ luật, các chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Nhà trường.

Tám là, khách quan giữ công bằng. Lấy dân chủ, minh bạch, khách quan để giữ công bằng, tạo môi trường phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển và một số kết quả đạt được

Trên cơ sở của triết lý giáo dục và sứ mạng – tầm nhìn – giá trị cốt lõi, Nhà trường đã đưa ra chiến lược phát triển, những nhiệm vụ cụ thể, đúng hướng và sát thực. Những kết quả đạt được, vì thế cũng rất đáng tự hào.

* Về đào tạo

Chiến lược phát triển của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là xây dựng Trường Đại học Công nghiệp trở thành một cơ sở đào tạo chất lượng cao theo định hướng ứng dụng, nhiều ngành, nhiều loại hình, nhiều cấp trình độ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế với các chỉ tiêu chủ yếu là: Các chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng ứng dụng và thường xuyên được cập nhật,chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo được công khai và đảm bảo đánh giá, định lượng được. Hiện nay, trong tổng số 36 chương trình đào tạo thì có 27 chương trình đào tạo đã xây dựng theo chuẩn CDIO, 9 chương trình còn lại đang được biên soạn theo chuẩn CDIO. Các chương trình đào tạo đều tăng thời lượng dành cho thực tập thực tế, báo cáo chuyên đề, seminar, làm việc nhóm, tăng tính tự học của người học, giảng viên là “nhạc trưởng” chứ không phải thầy cầm tay chỉ việc. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn đẩy mạnh các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên với nhiều trường đại học nước ngoài; các chương trình đào tạo đều chú trọng đến trình độ tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp.

* Về khoa học và công nghệ

Chiến lược của Nhà trường là xây dựng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ uy tín và tin cậy, đủ khả năng tiếp cận và phát triển các công nghệ tiên tiến, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội của đất nước; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển đào tạo. Nhà trường xác định sớm đưa hoạt động khoa học và công nghệ ở một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới; đưa khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Nhà trường và sự phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, Ngành, Nhà nước. Đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế và thương hiệu của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hàng năm, doanh thu từ hoạt động khoa học và công nghệ chiếm 20% tổng doanh thu của toàn Trường.

* Về cơ sở vật chất, nguồn tài chính

Nhà trường xác định xây dựng cơ sở vật chất (giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện, ký túc xá, cơ sở văn hoá-thể thao) của trường đạt tiêu chuẩn TCVN 20-1985 theo hướng hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN. Hiện nay, Nhà trường có 3 cơ sở đào tạo với diện tích gần 50 ha. Tại cơ sở 1 và 2 có hơn 300 giảng đường, phòng học lý thuyết; khoảng 250 phòng thực hành, thí nghiệm với đầy đủ máy và thiết bị hiện đại. Trung tâm thông tin thư viện có khoảng 400.000 cuốn sách với nhiều loại phòng đọc khác nhau; hệ thống máy vi tính, hệ thống mạng nội bộ toàn trường kết nối Internet phục vụ công tác quản lý điều hành, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Ký túc xá hiện đại với hơn 800 phòng ở cho học sinh, sinh viên nội trú được trang bị đầy đủ phương tiện sinh hoạt và các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên như sân chơi thể thao, siêu thị, nhà ăn…

Từ 01 tháng 9 năm 2017, Nhà trường đã thực hiện tự chủ đại học. Do đó, tính năng động sáng tạo, hiệu quả trong mọi hoạt động đào tạo và các dịch vụ đều đực nâng cao. Doanh thu tài chính nhờ vậy cũng tăng lên khoảng 10% mỗi năm. Nguồn lực tài chính được sử dụng hợp lý và hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức và người lao động ngày càng được nâng cao. Năm 2019, thu nhập trung bình của mỗi cán bộ, viên chức Nhà trường là 17.228.000 đồng/1 tháng và đảm bảo tăng lên 10%/1 năm [8].

* Về nguồn nhân lực

Nhà trường luôn coi nhân tố con người là trung tâm, chú trọng phát triển hợp lý nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển cơ cấu tổ chức và các lĩnh vực hoạt động của Nhà trường. Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, yêu nghề, gắn bó với Nhà trường để đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã xây dựng và chuẩn hoá đội ngũ viên chức và cán bộ quản lý theo yêu cầu của từng vị trí công tác trong trường; xây dựng chính sách thu hút, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Hiện nay, Nhà trường có gần 1600 cán bộ, giảng viên, trong đó có trên 250 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư.

* Về nâng cao năng lực quản trị Nhà trường và đảm bảo chất lượng

Nhà trường chủ trương nâng cao năng lực quản trị đại học theo mô hình quản trị tiên tiến, phù hợp với xu thế Quốc tế. Thiết lập và áp dụng hệ thống Đại học Điện tử theo mô hình BPM (Business Process Management – Quản trị quá trình tác nghiệp) vào thực hiện và quản lý các hoạt động của Nhà trường;

Năm 2017, Nhà trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Hiện nay, các chương trình đào tạo của Nhà trường đang thực hiện tự đánh giá theo chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.

* Về quan hệ doanh nghiệp và việc làm cho sinh viên

Với mô hình đại học mở, khẳng định hợp tác với doanh nghiệp là nhân tố tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Phát triển quan hệ hợp tác với doanh nghiệp theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, hiện nay Nhà trường là đại học có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp và hỗ trợ việc làm cho sinh viên hàng đầu ở khu vực phía Bắc. Nhà trường đang quan hệ hợp tác với trên 2000 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông qua quan hệ doanh nghiệp, các chương trình đào tạo luôn được chỉnh sửa theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Sinh viên cũng có điều kiện tiếp cận sớm với các doanh nghiệp để định hướng công việc và tìm kiếm việc làm ngay khi học tại Nhà trường. Vì vậy, tỉ lệ sinh viên Nhà trường có việc làm là rất cao: 75% sinh viên có việc làm tại thời điểm tốt nghiệp, 95 đến 98% sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường [6].

* Về phát triển Thương hiệu và Văn hóa Đại học Công nghiệp Hà Nội

Nhà trường luôn chú trọng xây dựng văn hóa và phát triển thương hiệu. Nhà trường thành lập một Trung tâm quan hệ công chúng với chức năng chính là thúc đẩy xây dựng thương hiệu Nhà trường. Tất cả cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên Nhà trường xác định và giải thích chính xác ý nghĩa các yếu tố nhận diện thương hiệu của trường; cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên đạt các tiêu chí “Văn hóa Đại học Công nghiệp Hà Nội”; các yếu tố nhận diện thương hiệu được sử dụng thống nhất trong Nhà trường. chương trình đào tạo, sản phẩm khoa học công nghệ, thành tích trong các hoạt động của Nhà trường được thông tin và truyền thông rộng rãi tới khách hàng và các bên quan tâm. Website thông tin của Nhà trường nằm trong top 500 website được truy cập nhiều nhất Việt Nam.

* Về hợp tác quốc tế

Chiến lược của Nhà trường là tiếp cận và bắt kịp trình độ, chuẩn mực giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới, qua đó tiếp nhận, chia sẻ tài nguyên và kinh nghiệm phát triển, hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tiếp tục mở rộng quan hệ Quốc tế hiện có; có quan hệ hợp tác Quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ với các nước trong khu vực và các nước có nền giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới; huy động sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, trường đại học Quốc tế phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhằm tăng cường nguồn lực cơ sở vật chất và học bổng cho học sinh, sinh viên; phát huy tiềm năng của Nhà trường về hợp tác Quốc tế trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, trao đổi, ký kết hợp tác với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quốc tế. Nhiều dự án hợp tác quốc tế với tổ chức Jica Nhật Bản, Tập đoàn Hồng Hải Đài Loan, SamSung Hàn Quốc, Toyota Nhật Bản… đã góp phẩn thúc đẩy sự phát triển của Nhà trường.

KẾT LUẬN

Triết lý giáo dục là một trong những phạm trù được nghiên cứu và ứng dụng sớm trong lịch sử nhân loại từ cổ đại, đến nay nó ngày càng là vấn đề vấn đề được quan tâm. Một triết lý giáo dục đúng đắn sẽ là nền tảng, là kim chỉ nam để có chến lược và kế hoạch hành động đúng, trúng và hiệu quả. Với ý nghĩa như vậy, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang xây dựng triết lý giáo dục hướng tới: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Đoàn kết - Phát triển - Hội nhập và với Sứ mạng - Tầm nhìn - Giá trị cốt lõi cùng chiến lược đúng đắn, tổ chức thực hiện hiệu quả đã đem lại nhiều thành công cho Nhà trường. Triết lý và những giá trị đó tiếp tục được khẳng định, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển tiếp theo của Nhà trường. Trong bối cảnh giáo dục & đào tạo cạnh tranh và yêu cầu phát triển ngày càng cao, tập thể cán bộ, viên chức, lao động Nhà trường quyết tâm xây dựng, thực hiện triết lý giáo dục và các giá trị cốt lõi; trước mắt là thực hiện thành công chiến lược và những nhiệm vụ mới giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030 mà Đại hội Đảng Bộ lần thứ VII đã đề ra để xây dựng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bàn về giáo dục “Tiên học lễ, Hậu học văn”, Nxb Văn hoá – Thông tin, 2012, tr.215.

[2] John Dewey về giáo dục, Nxb Trẻ, Tp HCM 2012, tr.65.

[3] Phạm Minh Hạc (2013), Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2013, tr.36.

[4] Thái Duy Tuyên (2007) Triết học giáo dục Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội 2007, tr.10-12.

[5] Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Chiến lược phát triển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2025, lưu hành nội bộ, 9/2016.

[6] Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Báo cáo hội nghị công chức, viên chức 2018-2019và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020.

[7] Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cổng thông tin điện tử:https://www.haui.edu.vn/vn.

[8] Đảng bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, T6, 2020, tr.2,32.

  • Thứ Ba, 09:23 22/09/2020

Các bài đã đăng

Tin tiêu điểm

Vòng loại Cuộc thi "Tìm hiểu Luật sở hữu trí tuệ" năm 2020

Vòng loại Cuộc thi "Tìm hiểu Luật sở hữu trí tuệ" năm 2020

Thứ Năm, 10:43 16/07/2020
Hội nghị Công chức, viên chức, tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018

Hội nghị Công chức, viên chức, tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018

Chủ Nhật, 10:06 08/10/2017
Hội đồng Khoa học Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học năm 2018

Hội đồng Khoa học Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học năm 2018

Thứ Sáu, 09:40 06/10/2017
Nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở: "Một số giải pháp nâng cao chất lượng học tập môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội"

Nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở: "Một số giải pháp nâng cao chất lượng học tập môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội"

Thứ Sáu, 10:00 22/09/2017

Tập huấn nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ giảng viên Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật năm 2017

Chủ Nhật, 11:11 17/09/2017

Các bài đã đăng

Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật triển khai những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đề cương chi tiết học phần, hướng dẫn tổ chức dạy học và biên soạn ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra

Thứ Năm, 09:06 28/03/2024
Hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường bảo vệ thành công cấp Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật

Hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường bảo vệ thành công cấp Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật

Thứ Năm, 07:46 21/03/2024

Báo cáo chuyên đề tại bộ môn Khoa học Mác-Lênin nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên

Thứ Hai, 14:04 26/02/2024

Xét chọn đề tài nghiêu cứu khoa học Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật năm 2023 - 2024

Thứ Tư, 13:59 06/12/2023

Thảo luận chuyên đề chuyên sâu bộ môn Khoa học Mác - Lênin

Thứ Sáu, 15:40 16/06/2023
Một số giải pháp nâng cao ý thức pháp luật của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Một số giải pháp nâng cao ý thức pháp luật của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Thứ Hai, 09:18 24/08/2020
"Pháp luật về Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ di cư phi chính thức" - Tạp chí khoa học -

"Pháp luật về Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ di cư phi chính thức" - Tạp chí khoa học -

Chủ Nhật, 10:54 02/08/2020
"Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội" - Tạp chí khoa học-

"Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội" - Tạp chí khoa học-

Thứ Năm, 09:07 02/07/2020

Nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở: “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”

Thứ Sáu, 16:18 19/06/2020

Nghiệm thu thành công Giáo trình Pháp luật cấp Trường

Thứ Sáu, 15:31 19/06/2020

Video giới thiệu